Tản mạn về Cloud

onedrive-illo3.jpg

Khi lần đầu nghe tới khái niệm Cloud, tôi hoàn toàn không có ý niệm gì về công nghệ này, mặt mũi nó ra làm sao, nó hoạt động như thế nào. Giống như có một lớp mây mờ che phủ lấy tâm trí tôi vậy. Cloud lúc đó như một thiếu nữ kiêu sa nhưng lại vô cùng khó nắm bắt.

Cho tới một ngày tôi mới được thực sự làm quen với Cloud. Đó là một project của FPT làm cho một khách hàng Nhật, khách hàng này yêu cầu xây dựng hệ thống server trên AWS cloud. Do đây là một công nghệ rất mới đối với mọi thành viên trong team, nên tôi đã phải mày mò khá lâu để có thể hiểu được cách vận hành của Amazon AWS. Những công nghệ đầu tiên tôi tiếp cận là EC2, S3, và RDS. Đây có thể coi là những thành phần cơ bản nhất để xây dựng nên môi trường chạy web trên AWS. EC2 viết tắt của Elastic Compute Cloud, tức Điện toán đám mây mềm dẻo, xin lưu ý là số 2 có nghĩa là có 2 chữ C. EC2 có thể hiểu nôm na là một máy ảo để bạn có thể cài đặt mọi thứ lên đó. S3 với 3 chữ S là Simple Storage Service, tức Dịch vụ Lưu trữ đơn giản. S3 là một dịch vụ lưu trữ giống với các dịch vụ lưu trữ khác như FShare hay Google Drive, có điều S3 không giới hạn dung lượng lưu trữ mà sẽ tính tiền dựa trên dung lượng mà bạn sử dụng thực tế. Còn RDS, hay Relational Database Service, cái tên nói lên tất cả. Dịch vụ cơ sở dữ liệu quan hệ. Nó cung cấp cho bạn một Database như một dịch vụ, nghĩa là bạn chỉ cần quan tâm đến Database, còn những thứ bên dưới như máy chủ vận hành DB đó, hay hệ điều hành mà nó sử dụng, …bạn không cần quan tâm tới. Dễ dàng vậy đó!

349409-back-up-your-cloud-how-to-download-all-your-data.jpg

Nếu bạn đã từng setup một con webserver để chạy, thì những khái niệm trên có vẻ rất thân thuộc, chỉ là giờ đây tất cả những thứ đó được cung cấp “trên mây”, nơi bạn không cần quan tâm tới từng chi tiết, chỉ cần chọn dịch vụ, số tiền muốn bỏ ra, và tất cả đã sẵn sàng cho bạn lựa chọn.

Càng làm với Cloud tôi càng cảm thấy thích thú, cảm giác như mình đang dần làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất, những thứ mà cả thế giới đang hướng tới. Cloud mang tới những khái niệm mới, những công cụ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, chỉ cần tôi hiểu biết về nó. Tất nhiên đây chính là thách thức lớn nhất. Có quá nhiều dịch vụ chạy trên AWS, tính sơ sơ thôi cũng trên trăm dịch vụ khác nhau, với những domain khác nhau, nên việc nắm bắt hết từng dịch vụ là điều không thể. Và bởi vì các dịch vụ hầu hết tính tiền qua thời gian và dung lượng sử dụng, nên phải rất thận trọng để tránh bị mất tiền oan. Tôi đã nếm trải một bài học cay đắng khi không để ý và vô tình bật một dịch vụ tính tiền trong một thời gian khá dài. Sự việc đã làm tôi khốn đốn trong việc giải trình với khách hàng và liên lạc với AWS để xin được miễn giảm cước phí. Rất may sau đó là AWS đã không tính tiền cho dịch vụ tôi đã bật. Không những tôi mà cũng có nhiều người đã dính phải trường hợp như tôi, dù là mất ít hay nhiều tiền. Do đó các bạn cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ AWS nói riêng và Cloud nói chung. Hãy xem xét và chỉ bật những dịch vụ thật cần thiết, tắt chúng đi khi không dùng đến, tốt hơn hết là dùng các công cụ monitor để tự động giám sát cảnh báo mức sử dụng dịch vụ, chẳng hạn như CloudWatch.

Những sai lầm và khó khăn không làm tôi chùn bước, tôi đã tự học để đạt chứng chỉ Architect Associate của Amazon, đây là chững chỉ bước đầu để một DEV có thể có hiểu biết một cách tổng quan về các dịch vụ của AWS, và nắm được một số trường hợp sử dụng điển hình, cách kết hợp các dịch vụ với nhau cũng như cách xử lý lỗi. Tuy là một chứng chỉ bắt đầu, nhưng như đã nói ở trên, vì có quá nhiều dịch vụ chạy trên AWS, nên để nắm được một phần cơ bản của chúng để có thể đạt được chứng chỉ này cũng không quá dễ dàng. Ở một bài viết trước tôi đã chia sẻ kinh nghiệm của tôi trong việc thi chứng chỉ này, trong đó điều quan trọng là bạn cần thực sự làm việc và sử dụng các dịch vụ cơ bản của Amazon như EC2, ELB, S3, RDS. Và thêm nữa là bạn cần phải đọc nhiều để hiểu được nguyên lý hoạt động của các thành dịch vụ trong một thể thống nhất. Đối với tôi, quá trình tự học để đạt chứng chỉ trong lúc vẫn cày OT ở công ty là một quá trình khá gian nan thử thách, nhưng niềm vui có được khi đạt chứng chỉ này đã mang lại động lực lớn để tôi không ngừng học hỏi, hơn nữa nó cũng giúp tôi kiếm được vài “củ” tiền thưởng từ công ty (tiền thi công ty cũng đã hỗ trợ cho rồi). Nên có thể nói đó là một điều tuyệt vời đối với cá nhân tôi.

Sau tất cả, Cloud vẫn là một thứ hấp dẫn, nhưng cũng còn nhiều điều cần phải khám phá. Có rất nhiều chứng chỉ Cloud cho các bạn yêu thích việc săn chứng chỉ, hay là theo đuổi những điều mới mẻ, hay đơn giản là kiếm chứng chỉ để được tăng lương, có rất nhiều con đường cho bạn chọn. Ngoài AWS còn có Microsoft Azure hay Google Cloud, những công nghệ cloud đỉnh cao từ các hãng công nghệ hàng đầu thế giới mang lại cho người dùng những trải nghiệm phong phú khác nhau, đồng thời cũng là thách thức cho các nhà phát triển để lựa chọn và khám phá những giá trị mà chúng mang lại.

photo1.png

Nếu bạn còn chưa biết Cloud là gì, thì bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu tìm hiểu rồi đấy. Now is the time for digging!

Leave a comment